Dịch vụ chăm sóc người Việt cao tuổi ở Úc

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 08/07/2010. Đăng trong Chia sẻ. Lượt xem : 11943

cham-soc-nguoi-gia

Sau một đời lao nhọc, cống hiến, người cao tuổi là một trong những thành phần đáng được phục vụ chu đáo nhất (ABC)


Theo báo cáo ‘Liên Thế hệ Úc tới năm 2050: Tương lai và Thách thức’ được Bộ trưởng Ngân khố Úc Wayne Swan công bố vào tháng 2 năm 2010, số lượng người già sẽ gia tăng nhanh chóng và ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số Úc. Trong vòng 40 năm sắp tới, sự kiện dân số Úc già đi sẽ gây áp lực rất lớn đến hệ thống ngân sách chính phủ liên bang cũng như các tiểu bang, đồng thời tạo thêm sức cầu ngày càng lớn đối với các dịch vụ của chính phủ. Những dịch vụ này bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y tế tới kỹ thuật để chăm sóc cho số dân ngày càng có triển vọng sống lâu hơn các thế hệ trước đây.

Trong phạm vi cộng đồng người Việt tại tiểu bang Victoria, một trong những tổ chức biết khá rõ về tình trạng áp lực tài chính trong vấn đề chăm sóc người già là Hội Phụ nữ Việt-Úc (AVWA – Australian Vietnamese Women’s Association). Tại tiểu bang Victoria, Hội Phụ nữ Việt-Úc là tổ chức duy nhất cung cấp chương trình chăm sóc tại gia cho người cao niên gốc Việt mang tên Chương trình Chăm sóc Cao niên Tại gia (CACP – Community Aged Care Packages).

Chăm sóc tại nhà

Bà Nhan Thủy Tiên, Giám đốc Hiệp hội Sự vụ kiêm Quản trị viên miền Bắc Melbourne của chương trình CACP, cho hay số lượng người cao niên Việt Nam hiện đang có tên trong danh sách chờ đợi để được hưởng dịch vụ chăm sóc của chương trình khá đông, đông hơn nhiều so với số người đang được hưởng dịch vụ. Bà Thủy Tiên cho biết sở dĩ có tình trạng này vì hội không có đủ ngân sách, vốn do Bộ Y tế và Cao niên liên bang cung cấp.

Tại Úc, người già thường vào các viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Nếu ở nhà thì họ được nhân viên địa phương thuộc các hội đồng thành phố, địa phương tiểu bang tới chăm sóc theo chương trình HACC (Home and Community Care – Chăm sóc Tại gia và Cộng đồng).

Tới khoảng đầu thập niên 1990, do lượng người già càng ngày càng đông trong lúc dịch vụ dưỡng lão rất tốn kém nên đến năm 1994, chính phủ Úc mở chương trình CACP để hỗ trợ, đồng thời đỡ gánh nặng quá tải của các nhà dưỡng lão. Việc CACP ra đời đã giúp người già, nhất là người già thuộc các cộng đồng sắc tộc như cộng đồng người Việt, thấy thoải mái hơn vì họ được chăm sóc tại nhà, trong khung cảnh gần gũi, quen thuộc từ bao lâu nay.

Cụ Lê, 88 tuổi, sống tại vùng Sefton, Bankstown, Sydney, người đang được hưởng dịch vụ chăm sóc tại nhà, cho rằng vào nhà dưỡng lão “có lẽ sẽ khổ vì chung quanh toàn người xa lạ, khung cảnh cũng không giống ở nhà, môi trường hoàn toàn khác nên chắc là buồn lắm”. Cụ cho biết vì đã quen sống với gia đình gồm con cháu từ ngày qua Úc cách nay 20 năm nên không muốn vào nhà dưỡng lão dù cụ đủ tiêu chuẩn.

Cụ Huỳnh Tiên, ngụ tại Cabramatta, vừa tròn 90 tuổi. Năm ngoái, cụ bà đã qua đời và nay cụ ông sống một mình trong căn nhà hai phòng ngủ của Bộ Gia cư chính phủ xây trên diện tích khoảng 600 mét vuông từ năm 1991. Cụ cho biết: “Sống thui thủi một mình rất khổ nhưng như vậy có thể còn đỡ hơn là vào viện dưỡng lão. Vả lại tại nhà này, tôi còn được ở trong khung cảnh quen thuộc lúc bà nhà tôi còn sống.”

Nhìn chung, các cụ được hưởng dịch vụ Chương trình Chăm sóc Cao niên Tại gia, dù ở Melbourne hoặc Sydney, đều hài lòng với các dịch vụ này. Mỗi tuần, theo ngày giờ quy định hoặc được thỏa thuận từ trước, nhân viên chăm sóc sẽ đến nhà. Tùy tình trạng sức khỏe của các cụ, nhân viên sẽ làm những việc như tắm rửa, thay quần áo, giặt, ủi, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ hoặc chở các cụ đi chợ mua thực phẩm, chở các cụ đi bác sĩ, đi dạo công viên, tập thể dục, liên lạc với các nơi cần thiết…

Tại Melbourne, trung bình mỗi cụ được nhân viên tới nhà chăm sóc trong 4 tiếng đồng hồ. Thời gian này được chia ra thành nhiều lần, mỗi lần khoảng 1-2 tiếng. Về tiền bạc thì các cụ chỉ phải trả lệ phí tượng trưng tối đa 4 đô Úc/giờ. Với những cụ có hoàn cảnh khó khăn thì chi phí này được bớt hoặc không phải trả.

Văn hóa và ngôn ngữ

Các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ là một trong những lý do chính khiến người Việt cao tuổi rất hài lòng với chương trình CACP do Hội Phụ nữ Việt-Úc phụ trách.

Bà Mã Quý, Điều phối viên Chương trình Chăm sóc Cao niên Tại gia miền Tây Melbourne, cho biết trước đây có những cụ mặc dù đủ tiêu chuẩn để được hưởng dịch vụ chăm sóc tại nhà nhưng vẫn từ chối vì nhân viên chăm sóc là người Úc không nói được tiếng Việt. Mãi đến sau này, kể từ khi Hội Phụ nữ Việt-Úc đảm nhận chương trình hồi năm 2003 tại tiểu bang Victoria và có nhân viên chăm sóc người Việt thì các cụ mới sử dụng dịch vụ này.

Theo cụ Trần tại miền Bắc Melbourne, cụ thích nhân viên người Việt đến giúp đỡ chứ “Tây thì tôi chẳng biết nói gì cả. Suốt mấy tiếng đồng hồ họ làm việc họ, mình chỉ ngồi không xem tivi chứ mình có muốn nói gì với họ cũng chẳng biết nói.”

Trong khi đó, cụ Nga ngụ tại miền Tây Melbourne tỏ ra vui vẻ và rất mong ngóng tới giờ nhân viên chăm sóc tới nhà “cứ như mong mẹ về chợ ngày còn bé”. Ngoài việc cảm thấy thoải mái khi được chăm sóc, trong đó có cả việc được nhân viên phụ giúp nấu nướng, điều cụ Nga thích nhất là được nói chuyện vì “ngoài họ ra, cả ngày tôi có trò chuyện với ai đâu.”

Những mặt hạn chế

Cụ Huỳnh tại Lakemba, Sydney cho hay thời gian gần đây, cụ không nhận sự chăm sóc nữa vì chỉ toàn nhân viên nữ chứ không có người nam. Cụ cho biết tại vùng cụ ở tại Sydney, hầu hết nhân viên chăm sóc đều là nữ và rất ít nam.

Khi đề cập tới những trở ngại, bà Thủy Tiên cho hay: “Thỉnh thoảng cũng có một vài cụ chưa hiểu phương cách làm việc của nhân viên. Ví dụ khi đến mỗi nhà, nhân viên sẽ làm theo giờ giấc ấn định rõ ràng và với nhiệm vụ được xác định rõ rệt chứ không phải sai làm gì cũng phải làm hoặc phải làm những việc không đúng. Việc này đôi khi gây ra một vài chuyện không vui vì nhân viên chăm sóc không phải là người giúp việc, người làm công như ở Việt Nam”. Khi có những trường hợp ‘không vui’ như vậy, Hội Phụ nữ Úc-Việt cử người đến nói chuyện để tìm hiểu sự việc và giúp các cụ thông cảm với lối làm việc của nhân viên tại Úc. Theo bà Thủy Tiên, “hầu hết các bác đều hiểu và rất tốt, rất thông cảm.”

Nhân viên chăm sóc đều là những người đã được huấn luyện toàn thời gian trong vòng ít nhất 6 tháng bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Về phần thực hành, các nhân viên được đưa đi thực tập tại các viện dưỡng lão và tư gia nơi các vị cao niên ở. Những người phụ trách công tác huấn luyện trong các khóa này đều là những người đã có văn bằng và kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế hoặc chăm sóc người già.

Trong tinh thần phải làm sao cho ngày mai phải ‘hơn’ hôm nay và hôm nay phải ‘hơn’ hôm qua, nước Úc vẫn ráo riết tìm phương cách để được ‘tốt đẹp hơn’. Một trong những cách đó là phục vụ con người. Sau một đời lao nhọc, cống hiến, người cao tuổi là một trong những thành phần đáng được phục vụ chu đáo nhất.

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi

Nguồn Bay Vut

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115