Đi nhà trẻ ở Úc

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 30/10/2010. Đăng trong Chia sẻ. Lượt xem : 9146

Môi trường giáo dục hoàn hảo

Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mà ở mỗi quốc gia có mô hình nhà trẻ khác nhau. Nhà trẻ ở Úc quy định mỗi cô giáo phụ trách chăm sóc 5 trẻ em. Một phòng học có 10 trẻ thì sẽ có hai cô giáo săn sóc. Mỗi nhà trẻ thường chỉ có bốn phòng chia theo từng năm tuổi khác nhau: từ 6 tháng tới 1 tuổi, từ 1 tuổi trở lên đến 2 tuổi, từ 2 tuổi trở lên đến 3 tuổi và từ 3 tuổi trở lên đến 4 tuổi. Các phòng học được đặt những cái tên rất ngộ nghĩnh dễ thương như ‘Wombat room’, ‘Crocodile room’, ‘Butterfly room’…

Trẻ em tại các trường mầm non ở Úc được khuyến khích tự chăm sóc bản thân ngay từ khi mới đi học. Trao đổi với Bay Vút, chị Kim – một giáo viên dạy trẻ tại trường Nhà trẻ B4 Kids ở Căn cứ không quân Williams (Melbourne) cho biết: “Bắt đầu từ 8 tháng tuổi, trẻ em đã được dạy tự rửa tay trước khi ăn cơm, cho đồ đạc cá nhân vào các ngăn tủ của mình hay tự treo áo, mũ lên giá đỡ. Bắt đầu từ tháng thứ 16, các em được tập cho ăn một mình dưới sự trợ giúp của người lớn. Mặc dù các bé còn nhiều lúng túng khi ăn, thường đánh rơi thìa, để thức ăn vun vãi khắp nơi hoặc một số em lại bốc cơm bằng tay, nhưng nhìn chung các em vui và đều thích nghi nhanh chóng sau khi được cô tập cách tự ăn uống”.

Chị Kim kể tiếp: “Gần 2 tuổi, các em bắt đầu được dạy đi vệ sinh một mình hoặc chủ động gọi người lớn giúp đỡ. Những từ ngữ mà bố mẹ có thể dạy cho các em là “pee”, “pur” hoặc “toilet training”. Các em ở lứa tuổi này thường muốn bắt chước bố mẹ và thích tự hoạt động nên rất phấn khởi với việc được ‘làm người lớn’.

Trong giờ học, trẻ em sẽ có những hoạt động vui chơi tập thể với các trang thiết bị, đồ chơi trong nhà -ngoài trời được thiết kế chiều cao, độ cứng và các góc cạnh phù hợp với các em và đảm bảo mức an toàn tối đa. Những trẻ mới đi học thường bỡ ngỡ nhưng chỉ sau một tháng là thích nhà trẻ bởi có nhiều trò chơi, đồ chơi đẹp lẫn đông đảo bạn đồng lứa chơi cùng.

Ngoài các hoạt động hát, múa, kể chuyện, các em thường xuyên được chơi các trò chơi tình huống, đóng vai nhân vật, vẽ tranh minh họa nhằm phát huy tối đa tính sáng tạo.

Cung không đủ cầu

Trẻ em đến tuổi đi nhà trẻ (child care) nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cha mẹ và thầy cô bởi đây là những năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ở Úc muốn gửi con đi nhà trẻ không phải là dễ dàng vì các nhà trẻ ở Úc luôn luôn không đủ chỗ! Phụ huynh thường phải đăng ký cho con em họ vào danh sách chờ. Thậm chí nếu con nhỏ ở lứa từ 0 đến 2 tuổi, họ có thể phải chờ cho tới 2 năm!

Việc chi phí gửi trẻ ở Úc cũng khá cao, giao động từ 66 đô la/ngày đến 80 đô la/ngày, tùy thuộc đó là nhà trẻ cộng đồng hay nhà trẻ tư nhân. Một nghịch lý là các nhà trẻ tư nhân có mức phí cao hơn các nhà trẻ cộng đồng trong khi chất lượng chưa chắc đã tốt hơn do số lượng trẻ em trong mỗi phòng thường nhiều hơn. Nếu như các nhà trẻ cộng đồng áp dụng nghiêm ngặt số lượng mỗi trẻ trong một lớp khoảng từ 8 đến 10 trẻ, thì các nhà trẻ tư nhân có thể nhận tới 20 trẻ/phòng.

Vai trò của gia đình

Bắt đầu đi học lớp mầm non cũng là khi trẻ em phải học cách thích nghi với môi trường ngoài gia đình. Khi đó mối quan hệ giữa cha mẹ với cô giáo nói riêng và nhà trường nói chung rất quan trọng.

Cha mẹ phải giữ liên lạc thường xuyên với cô giáo để cùng phối hợp nuôi dạy trẻ ở nhà. Chị Xuân, một phụ huynh có bé Andy theo học lớp mầm non (lứa 1 đến 2 tuổi) ở Nhà trẻ B4 Kids chia sẻ: “Trước khi đi học, Andy có vẻ nói chậm và thường thích gì làm nấy, ít khi nghe lời người lớn. Hóa ra do ở nhà chúng tôi chiều chuộng bé quá. Cô giáo nói bé được đáp ứng quá đầy đủ về các nhu cầu mà bé cần, ví dụ như bé chỉ cần nhìn vào đồ vật gì đó là chúng tôi đưa ra luôn. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là mình đang chơi với bé thôi chứ không nghĩ điều đó lại tạo thành thói quen không tốt. Ở lớp, bé Andy được học nói những câu yêu cầu và xin phép khi muốn chơi đồ chơi. Từ ngày đi học, trở về nhà bé tỏ ra tự giác hơn và nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn”.

Theo cô giáo Kim, các gia đình gốc Việt ở Úc thường có tâm lý yêu quý và nuông chiều trẻ em, thấy trẻ lúng túng thì hay làm giúp. Điều đó vô hình chung có thể khiến trẻ nảy sinh tâm lý ỷ lại và nhút nhát, hạn chế tính tự lập. Cô Kim cho rằng: “Cha mẹ nên để trẻ có thời gian tự làm các công việc của chúng một mình, chỉ cần quan sát rồi sau đó giảng giải sự khác biệt và hướng dẫn trẻ làm lại cho đúng”.

Ở độ tuổi mầm non, trẻ em gốc Việt đi học nhà trẻ có phần vất vả hơn trẻ em người Úc. Đây là lúc các em đang tập nói nên sẽ phải làm quen đồng thời cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Chị Mỹ, một phụ huynh gửi con tại Nhà trẻ B4 Kids cho biết: “Từ ngày đi nhà trẻ, bé Sara học nói tiếng Anh rất nhanh và có vẻ không thích nói tiếng Việt ở nhà. Môi trường ở lớp đã toàn dùng tiếng Anh, ở nhà hai vợ chồng tôi cũng dùng tiếng Anh với nhau vì bố cháu là người Úc, nên bé Sara hầu như không có điều kiện học tiếng Việt nữa, mặc dù tôi rất muốn trò chuyện bằng tiếng Việt với con”.

Cô giáo Kim nhận định trẻ em ở lứa tuổi mầm non rất nhạy cảm về ngôn ngữ và có thể học cả hai thứ tiếng một lúc. Tuy nhiên nhiều gia đình gốc Việt không chú trọng việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ nên khi trẻ em nó tiếng Anh thì cũng nói theo, thậm chí là chủ động nói chuyện bằng tiếng Anh nên trẻ sẽ xa dần tiếng mẹ đẻ.

Nếu muốn trẻ không quên tiếng Việt, các phụ huynh cần phải chủ động dùng tiếng Việt với con em nơi mái ấm gia đình càng nhiều càng tốt.

(theo Bayvut)

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115