Các ‘chiêu thức’ tiết kiệm của du học sinh
Tóm lược
Cuộc sống sinh viên du học với bao nhiêu vất vả và lo toan, không chỉ vấn đề học tập mà còn làm sao để đảm bảo cuộc sống nơi xứ người. Bài toán hóc búa nhất mà nhiều du học sinh gặp phải đó là làm sao để tiết kiệm chi tiêu nhất ở mức có thể trong những năm đi du học.
‘Năng nhặt chặt bị’
Cuộc sống sinh viên du học với bao nhiêu vất vả và lo toan, không chỉ vấn đề học tập mà còn làm sao để đảm bảo cuộc sống nơi xứ người. Bài toán hóc búa nhất mà nhiều du học sinh gặp phải đó là làm sao để tiết kiệm chi tiêu nhất ở mức có thể trong những năm đi du học.
Nơi ở của sinh viên khó có thể cố định lâu dài một chỗ với hợp đồng thuê nhà ba tháng hoặc sáu tháng và sau đó có thể kéo dài thêm nhưng không biết lúc nào bị tăng tiền nhà hay phải dọn đi chỗ khác. Vì vậy, nhiều bạn sinh viên đã thực hiện chính sách ‘năng nhặt chặt bị’ trong việc mua sắm các vật dụng cần thiết.
Vũ Phương, sinh viên Đại học Công nghệ Sydney (UTS), hãnh diện khoe: “Hầu hết đồ đạc trong phòng mình đang ở đều là từ đi nhặt và đi xin. Tủ quần áo mình nhặt được ngay gần nhà, chỉ cần huy động vài ba người bạn đến khuân hộ vào. Giường ngủ là xin được của một anh bạn vừa về Việt Nam. Nhà anh bạn đấy hơi xa, mình phải lấy xe đẩy của siêu thị và nhờ thêm 3 bạn trai nữa đẩy cùng. Việc xin cái bàn học còn vất vả hơn, mình phải đến nhà ông chủ nơi mình làm thêm cách nhà khoảng năm ga tàu để lấy và một mình khiêng nó về nhà. Chỉ có đệm là mình phải mua nhưng cũng phải đợi đợt giảm giá để mua cho rẻ.”
Đi đâu cũng dòm ngó cột điện xem có chỗ nào bán đồ cũ, đồ giảm giá để ‘tăm tia’ những thứ mình cần hoặc ngó nghiêng xem người ta có vất gì không là một thói quen mang đậm chất sinh viên du học. Duy Long, sinh viên Đại học Sydney, cho biết: “Đôi khi thấy người ta vất đi một thứ gì đó còn mới quá, mặc dù mình đã có rồi nhưng vẫn mang về để nhỡ có bạn bè nào cần thì cho.”
Tiến Đức, một du học sinh Việt Nam vừa mới đặt chân đến Úc, đã mắt tròn mắt dẹt khi thấy các anh chị cùng nhà khoe nhặt được cả tủ lạnh, ti-vi và nhiều đồ đạc giá trị khác vẫn còn mới toanh trong gia đình.
‘Gara sale’ chào mời
Khi đi thuê nhà, thông thường các bạn sinh viên chỉ thuê được nhà chưa có đồ nội thất. Nếu nhà đã có đầy đủ giường, đệm, bàn học…v.v thì chủ nhà tính thêm 20-30 đô-la, coi như đấy là tiền mua sắm đồ đạc. Với những bạn sinh viên vừa mới bắt đầu cuộc sống du học thì thuê nhà, tiền đặt cọc đã tốn một khoản kha khá, thêm vào đó là khoản mua sắm đồ đạc mà nếu qui đổi ra tiền Việt thì chắc không dám mua gì cả.
Mua hàng tại các ‘gara sale’ là một cách khá hợp lý để giảm chi phí mua đồ đạc trong nhà. ‘Gara sale’ là một hình thức bày bán những vật dụng không dùng đến trong gia đình. Người bán sẽ thông báo về ngày mở cửa ‘gara sale’ và bày tất cả đồ đạc cần bán ra trước cửa nhà để mọi người đến mua. Nếu may mắn có một gia đình nào đấy chuyển đi thì họ sẽ để lại toàn bộ đồ đạc trong nhà với một giá rẻ bất ngờ, đôi khi còn khuyến mại thêm nhiều vật dụng khác.
Như Phương, sinh viên Đại học Sydney, tâm sự: “Đợt vừa rồi cái máy giặt nhà mình bị hỏng. Mua cái mới thì đắt quá mà thời gian mình ở lại đây chỉ còn vài tháng nữa nên quyết định phải đi lùng máy giặt ở ‘gara sale’ và ở các hàng đồ cũ. Đi đâu cũng ngó nghiêng xem có chỗ nào ‘gara sale’ không, thế nhưng hơn một tháng lùng sục vẫn chưa tìm được cái nào ưng ý. Có một lần, sáng sớm, chưa kịp tỉnh giấc, một anh bạn đã réo điện thoại: “Ra ngay ngoài đầu đường, người ta vừa vất một cái máy giặt” nhưng khi ra đến nơi thì có ai đã nẫng tay trên mất rồi. Cuối cùng, mình phải quyết định mua một cái máy giặt ở hàng đồ cũ.”
Các bảng thông báo ở trường cũng là nơi để sinh viên mua bán các vật dụng giá rẻ. Nếu bạn có một vật dụng gì đó còn khá mới mà có nhu cầu bán thì có thể đăng quảng cáo trên các bảng thông báo ở trường. Có một cách khác để các bạn sinh viên mua bán hàng ‘gara sale’ của mình là đăng thông báo trên các website về mua bán, trên diễn đàn của các hội sinh viên hoặc cách thông dụng mà các bạn sinh viên ở Sydney hay sử dụng là e-mail chung (email groups) để gửi thông tin cho mọi người.
Mùa ‘sale’ vẫy gọi
Tháng 6 – kết thúc năm tài chính và tháng 12 – đợt Giáng sinh là hai đợt giảm giá (sale) lớn nhất trong năm ở Úc. Nhiều bạn sinh viên để dành đến dịp này để tha hồ mua sắm.
Bạn Đan Dung, Đại học Macquarie, chia sẻ: “Dịp Noel năm ngoái, vào ngày Boxing Day, nghe mọi người quảng cáo là sale rất nhiều, có khi đến 70-80%, mình và nhóm bạn hăm hở dậy từ ba rưỡi sáng để xếp hàng vào Myer mua sắm. Đúng là ở đây giảm giá cũng nhiều nhưng cũng chẳng khác gì ngày thường, mà hàng ở Myer thì đắt khủng khiếp nên đành về không. Thế nhưng đợt sale đấy mình cũng mua được khá nhiều đồ với giá chỉ bằng một nửa, có thứ chỉ bằng 20% giá gốc.”
Như Phương, Đại học Sydney, lại có một kỷ niệm vui khác về mua hàng sale: “Hôm đấy đã 8 giờ tối, một chị bạn của mình thông báo bên Eastwood, cách nhà mình khoảng 30 cây số, đang có đợt sale lớn đến tận 12 giờ đêm. Tham hàng sale, thế là mấy chị em trong nhà rủ nhau đi sang bên đấy xem có mua được gì không. Đúng như chị bạn kể, mọi thứ đều giảm giá rất nhiều. Mọi người rất hồ hởi vì ai cũng vác được túi to túi bé về nhưng khi mua sắm xong thì đã nửa đêm, không còn chuyến xe buýt nào về nhà cả, cả nhà đành phải cuốc bộ hơn ba cây số, sau đó phải bắt taxi và mãi đến gần 3 giờ sáng mới về được đến nhà.”
Đầu kỳ học (đầu tháng 3 và tháng 8) cũng là những đợt ‘sale’ mạnh với những bạn muốn mua sách. Sách học khá đắt với giá trung bình khoảng 100 đô-la, vì thế nhiều bạn quyết định mua lại sách cũ của những người đã học trước để giảm chi phí trong học tập. Trên bảng thông báo của trường và của thư viện chi chít những thông báo bán sách. Nếu mua sách trực tiếp của nhau thì có thể rẻ hơn so với mua lại từ các hiệu sách cũ trong trường.
Quản lý chi tiêu trong cuộc sống thường nhật một cách tiết kiệm nhất cũng là một kinh nghiệm quí báu cho các du học sinh trong cuộc sống sau này. Đối với các bạn từng có cơ hội đi du học khó có thể quên những ‘kinh nghiệm’ nhặt đồ, săn hàng giá rẻ trong mùa sale, rình mua hàng ‘gara sale’ trong suốt thời gian đi học và sinh sống tại xứ người.
(theo Bay vut)