Trung bình hàng tuần một du học sinh du học Úc chi khoảng 320 đô la Australia cho các chi phí như nhà ở, quần áo, đi lại, thực phẩm, giải trí, du lịch, điện thoại và các phí khác. Còn những học sinh phổ thông thường chi ít hơn cho các nhu cầu tương tự là khoảng 265 đô la Australia/một tuần. Tuy nhiên, các con số này chỉ mang tính chất hướng dẫn và thực tế chi phí phụ thuộc vào các điều kiện cá nhân như khoá học địa điểm học và lối sống của mỗi người…
Điều kiện tiên quyết là học sinh nên có một kế hoạch chi tiêu bao gồm các phí tổn như trên, đối với trường hợp học sinh có gia đình đi cùng nếu có con nhỏ cũng cần tính toán thêm nhiều chi phí khác.
Khi đến Úc, bạn có thể đổi ngoại tệ sang tiền tệ Úc tại các quầy đổi tiền ở phi trường, tại ngân hàng hoặc tại khách sạn. bạn có thể dùng trực tiếp các loại ngân phiếu du lịch (travellers cheque) nếu giá trị của ngân phiếu du lịch được tính bằng đơn vị đồng đô la Úc hoặc cũng có thể vào ngân hàng đổi các chi phiếu này ra tiền Úc hay đổi sang tiền mặt tại các khách sạn lớn và một số cửa tiệm.
Tốt hơn hết là bạn nên mở một trương mục ngân hàng ở Úc. Ðể làm điều này, bạn cần mang theo thị thực và giấy tờ chứng minh nơi cư ngụ. dịch vụ ngân hàng ở Australia có sự cạnh tranh ráo riết với nhau nên cũng cần có sự cân nhắc kỹ cho phù hợp với điều kiện cá nhân. Bạn có thể dùng các máy ATM để ký gửi hoặc rút tiền hầu như bất kỳ lúc nào. và hầu hết các cửa hàng lớn, siêu thị và các cửa tiệm bán hàng chuyên có trang bị tiện nghi trả tiền điện tử (EFTPOS). Điều này giúp bạn có thể dùng các loại thẻ ngân hàng để thanh toán tiền mua đồ và trong một số trường hợp còn có thể rút thêm tiền mặt nữa.
Hệ thống tiền tệ Úc áp dụng theo hệ thập phân với đơn vị cơ bản là đô la và xu (cent). Một đô-la bằng 100 xu. Và tiền giấy có 5 loại trị giá: 5, 10, 20, 50 và 100 đô la. Còn tiền cắc gồm có các đồng 5 xu, 10 xu, 20 xu và 50 xu màu bạc, và đồng 1 đô la và 2 đô-la màu hoàng kim. Ở Úc, thẻ tín dụng được sử dụng rất phổ biến trong việc mua bán,ccác loại thẻ phổ thông được các cơ sở thương mại chấp nhận bao gồm các thẻ American Express, Diners International, Bankcard, Mastercard, thẻ Visa và một số thẻ tín dụng có liên kết với các công ty tài chính này.
Việc làm trong thời gian học tập
Du học sinh đến Úc theo diện tự túc hay theo diện nhận học bổng du học Úc đều có thể nộp đơn xin được phép làm việc trong khi đi học. Nếu được chấp thuận, bạn có thể làm các công việc không thường xuyên tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian đang học tại trường và làm các công việc toàn thời trong thời gian nghỉ hè. Nhưng đối với du học sinh đang theo học chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ theo diện thị thực thứ hạng 574, bạn có thể làm việc không giới hạn số giờ. Mặc dù vậy bạn cũng cần xác định rõ rằng số tiền kiếm được ở Úc chỉ là thu nhập bổ sung và không nên xem đó là nguồn thu nhập duy nhất.
Các thành viên trong gia đình cũng có thể nộp đơn xin Bộ Di trú Australia chấp thuận cho làm việc tối đa 20 giờ/tuần và có thể đi làm bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhưng bạn chỉ có thể xin cấp loại thị thực cho phép làm việc sau khi học sinh đến Ú c và đã nhập học.Còn lệ phí nộp đơn là 50 đô la Australia.
Việc làm sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học của Úc thường có nhiều chọn lựa nghề nghiệp như: làm việc cho các ngân hàng lớn, làm các công ty tư vấn về quản trị hay các công ty liên quốc, các tổ hợp pháp lý, các công ty công nghệ cao và rất nhiều ngành nghề khác.
Úc và các nước trên thế giới đều có những công ty tuyển mộ nhân viên giúp sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm thích hợp và cung cấp các dịch vụ cố vấn nghề nghiệp. Có nhiều công ty lớn có riêng dịch vụ tuyển mộ nhân viên và đánh giá cao những sinh viên tốt nghiệp có kinh nghiệm quốc tế chẳng hạn như những sinh viên tốt nghiệp với một văn bằng của Úc…
Chương trình di dân theo diện tay nghề của Chính phủ Úc nhắm vào các thành phần trẻ có trình độ giáo dục, có tay nghề và những khả năng xuất sắc có thể đóng góp vào việc phát triển nền kinh tế nước này. Trong tổng số những di dân sang Úc theo diện tay nghề thì có đến phân nửa là những thành phần du học sinh đã tốt nghiệp tại quốc gia này. Số lượng di dân theo diện tay nghề trong thời gian gần đây đã gia tăng vì sự thành công trong việc thu hút sinh viên tốt nghiệp đến Úc lập nghiệp, một trong những ngành đang có nhu cầu cao như công nghệ thông tin, điều dưỡng và kế toán.
Ðể có thể di dân sang Úc theo diện tay nghề, bạn cần đạt đủ điểm theo hệ thống tính điểm di dân và hội đủ một số yêu cầu cơ bản như hạn tuổi của người xin di dân không quá 45 tuổi, đồng thời phải có đủ khả năng Anh ngữ có bằng cấp đại học hoặc cao đẳng hoặc kinh nghiệm làm việc có liên hệ đến nghề nghiệp học sinh đề cử trong đơn xin di dân. Bạn cũng sẽ được thêm điểm nếu có các bằng cấp của Úc khác.