10 sai lầm cần lưu ý khi chuẩn bị du học Úc – Mỹ – Anh
(Minh họa: Du học sinh tại một trường nước ngoài)
1. Đánh giá quá cao khả năng của bản thân. Nhiều bạn chưa đáp ứng được cả điều kiện nhập học đã nghĩ đến việc sẽ có học bổng. Một điều nữa là các trường Anh và Úc rất hiếm học bổng toàn phần. Tại các nước này, tài trợ toàn phần thường chỉ qua diện chính phủ và cạnh tranh rất gay gắt. Vì thế, xin học bổng ở Mỹ thực ra dễ hơn ở Anh và Úc, vì các hình thức xin tài trợ ở Mỹ rất đa dạng: trên cơ sở nhu cầu tài chính, điểm xuất sắc, hồ sơ sớm, vay chính phủ và đóng góp cho cộng đồng.
2. Giả thành tích. Đôi khi vì muốn con được học bổng cao mà các bậc phụ huynh sửa học bạ, hoặc một số bạn giả thành tích đóng góp cho cộng đồng. Khi vào học, các giáo viên nhanh chóng nhận ra sự chênh lệch giữa hồ sơ và thực tế và điều này đã tổn hại rất nhiều đến uy tín của các sinh viên VN khác.
3. Không thành thật khi xin visa. Khi xin visa, đối với Mỹ phải qua phỏng vấn trực tiếp. Còn với Anh và Úc thì chỉ qua xét hồ sơ tài chính và điểm tiếng Anh. Bạn sẽ phải chứng minh mình có đủ khả năng tài chính trong ít nhất một năm học và kê khai mức thu nhập của người bảo lãnh bạn. Trong trường hợp xin đi Anh, người này bắt buộc phải có quan hệ ruột thịt với bạn. Các nhân viên đại sứ quán có rất nhiều cách để điều tra thông tin tài chính của bạn. Và hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu họ phát hiện bạn không thành thật.
Thiếu thành thật cũng là một lỗi mắc khá phổ biến khi xin visa đi Mỹ. Có trường hợp nói dối rằng mình không có người thân ở bên Mỹ, trong khi nhân viên sứ quán có thể dễ dàng kiểm chứng thông tin này.
4. Xin phỏng vấn visa đi Mỹ quá 2 lần trong một tháng. Trượt phỏng vấn visa đi Mỹ là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng có thể dễ dàng xin một cơ hội khác. Tuy nhiên không nên đăng ký phỏng vấn nhiều hơn 2 lần trong một tháng. Người phỏng vấn thường cho rằng bạn sẽ không thể cung cấp cho họ thông tin gì mới trong thời gian ngắn như vậy.
5. Không có điểm tiếng Anh chính thức. Điểm tiếng Anh thấp không cản trở bạn xin đi học ở Anh và Mỹ. Trong khi đó, các trường rất khó đánh giá năng lực tiếng Anh của bạn qua những kết quả thi không được quốc tế công nhận (ví dụ của trung tâm ngoại ngữ hay nơi tư vấn du học). Vì thế, bạn vẫn sẽ buộc phải thi TOEFL hay IELTS trước khi được xét nhập học.
6. Đánh giá thấp các trường đại học cộng đồng ở Mỹ. Học sinh Việt Nam thường chỉ quan tâm đến các trường danh tiếng mà bỏ qua các trường đại học cộng đồng ở Mỹ (community college). Trong khi đó, đi theo con đường đại học cộng đồng rẻ hơn các kênh khác rất nhiều và không yêu cầu nhiều về tiếng Anh.
7. Chỉ chọn học ngành quản trị kinh doanh. Hiện nay, rất nhiều sinh viên Việt Nam đăng ký học quản trị kinh doanh, và ít người quan tâm đến các lĩnh vực như kỹ sư cơ khí, điện tử hay công nghệ thông tin.
8. Không chuẩn bị đầy đủ tâm lý để thích nghi với môi trường mới. Khả năng thích nghi kém là một trong những nhược điểm lớn nhất của sinh viên VN.
9. Mải mê tìm việc khi ở nước ngoài. Sẽ là sai lầm nếu coi việc làm là cách để trang trải học phí. Tâm lý này sẽ dễ khiến bạn chểnh mảng học hành.
10. Chưa tính toán kỹ lưỡng khi dự định ở lại làm thêm sau khi học. Mỹ và Úc là những quốc gia nhập cư, nên chính sách về lao động cũng cởi mở hơn Anh. Nhưng cho dù là nước nào, bạn cũng sẽ gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với người dân bản xứ hay các lao động từ những nước xưa nay có nguồn nhân lực được đánh giá cao.
(Theo Lao Động)