Phía sau cuộc đua tranh giữa các nền giáo dục lớn
Trong nửa cuối thế kỷ 20, Hoa Kỳ vươn lên dẫn đầu trên thế giới về thu hút sinh viên nước ngoài tới Mỹ học tập. Hoa Kỳ được cả thế giới ngưỡng mộ bởi những học giả tiếng tăm lẫy lừng, những người đoạt giải Nobel hàng năm, những phát minh khoa học đáng ghen tị cũng như những học viện liên tục sản sinh ra các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, các châu lục và quốc gia khác cũng không bỏ lỡ thời gian để đứng nhìn Mỹ tận dụng hết chất xám của nhân loại.
Minh họa: Nền giáo dục Úc đang vươn lên cạnh tranh mạnh mẽ với các ‘cường quốc’ giáo dục lớn như Châu Âu và Mỹ
Các khu vực khác cũng đang rất thành công trong cuộc cạnh tranh giành giật sinh viên quốc tế với Mỹ. Úc là một đối thủ nặng ký, cùng với Vương quốc Anh và New Zealand cũng đang đuổi theo sát nút. Chính phủ Canada mới đây cũng thông báo rằng họ đang thay đổi chính sách nhập cư để giúp các trường cao đẳng và đại học có thể chiêu sinh sinh viên nước ngoài. Tất cả những quốc gia này đều coi việc thu hút sinh viên quốc tế tới các đại học của họ là một nguồn thu nhập chính và là một cách thức mà nhờ đó, họ có thể tăng cường sức mạnh mềm của mình thông qua giáo dục đại học. Họ đều muốn tận dụng lợi thế của tiếng Anh như là thứ ngoại ngữ phổ biến nhất trong giáo dục quốc tế. Các chính phủ này đều khuyến khích chính sách giáo dục cung cấp cho người nước ngoài và coi đó là các biện pháp để giảm các chi phí của nước họ đối với giáo dục đại học.
Minh họa: Khuông viêntrường Đại học Macquarie của Úc
Còn tại khu vực châu Á, cuộc cạnh tranh cũng không kém phần sôi nổi. Trong khi Nhật Bản lâu nay vẫn được coi là một cường quốc trong giáo dục quốc tế tại châu Á thì các quốc gia khác trong khu vực như là Singapore, Malaysia, Trung Quốc lại đang tạo nên các thách thức mới với những nỗ lực đáng kể để định vị bản thân họ như là những điểm đến lý tưởng cho các sinh viên quốc tế.
Minh họa: Singapore cũng đã xây dựng được một tầm ảnh hưởng đang gia tăng trong bản đồ giáo dục thế giới
Trung Quốc và Ấn Độ đứng ở vị trí dẫn đầu về số sinh viên được gửi sang Mỹ học. Nhưng từ năm 2004, lượng sinh viên mà hai quốc gia này gửi đi giảm hẳn. Trung Quốc lại muốn có được hệ thống giáo dục đại học ở đẳng cấp thế giới, và điều này về lâu dài, có thể giúp giữ chân sinh viên Trung Quốc ở các đại học trong nước. Chẳng hạn, Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc đang trở thành cái nôi cho các nghiên cứu khoa học với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc. Chỉ trong một thập kỷ, số lượng lớn sinh viên xuất sắc trong các ngành khoa học của đại học Thanh Hoa có ý định tiếp tục việc học tại các trường của Mỹ đã chuyển sang theo đuổi việc học tại chính đại học trong nước.
Trung Quốc đã nhanh chóng san lấp khoảng cách về khoa học và công nghệ. Trong năm 2010 này, các trường đại học của Trung Quốc dự tính cấp số lượng bằng tiến sĩ cho các ngành khoa học và công nghệ nhiều hơn so với các đồng nhiệm người Mỹ (Freeman 2005). Cuối sách “Thế giới Phẳng” của Thomas Friedman cũng lưu ý hơn tới thực tế rằng các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đang tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển các nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức. Những xu hướng này sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào giáo dục đại học của Mỹ để có thể đạt được các tham vọng quốc gia của họ.
Giữa lúc các cuộc so tranh về giáo dục đang diễn ra, thì cách nhìn nhận về vai trò của Trung Quốc trong khu vực và hành xử quốc tế của họ cũng giúp họ được ghi nhận như là một điểm đến hấp dẫn hơn. BBC đã có một cuộc thăm dò trên 22 quốc gia, kết quả cho thấy Trung Quốc được cho là đóng vai trò tích cực còn hơn cả Mỹ. Sự thay đổi này đặc biệt đáng kể khi mà các quốc gia láng giềng này trước đó vốn không ưa Trung Quốc. Một điều nữa càng củng cố thêm sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với sinh viên châu Á đó là giới thanh niên có xu hướng nhìn Trung Quốc với ánh mắt thiện cảm hơn.
Trong khi nền giáo dục Trung Quốc đang tận dụng sức mạnh mềm của mình thì các quốc gia châu Âu cũng đang từng bước giành lại ảnh hưởng của mình. Trước kia, các đại học của châu Âu đóng vai trò đáng kể lên việc phát triển các đại học của Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng này mỗi lúc một suy yếu và vai trò này dần đảo chiều. Nhưng hiện nay, các quốc gia như Đức lại đang tăng cường sức mạnh của cộng đồng khoa học và năng lực nghiên cứu để cạnh tranh với Mỹ. Một chiến dịch lớn nhằm “thu hút trí tuệ” đang được tiến hành giữa các nhóm tinh hoa trong các đại học của Đức. Tựu chung lại, chiến dịch này nhằm tìm cách lôi kéo những học giả người Đức làm việc tại các đại học của Mỹ trở về quê hương để cống hiến. (“To Halt Brain Drain” 2005).
Như vậy, không chỉ có sinh viên mà ngay cả các trường đại học, các nền giáo dục đều có những chuyển biến lớn. Thế giới đang bắt đầu kỷ nguyên của giáo dục đại học xuyên quốc gia mà trong đó, các đại học của quốc gia này có thể tổ chức giảng dạy tại quốc gia khác, các chương trình giảng dạy cùng được các trường đại học ở các quốc gia khác nhau cung cấp, và đào tạo đại học không bị giới hạn bởi biên giới nhờ có công nghệ hỗ trợ.
Nếu như các bằng cấp của các chương trình giáo dục từ xa được thị trường lao động thế giới chấp nhận, thì điều này ảnh hưởng rất lớn tới các dòng lưu học sinh du học. Hệ quả là, thứ bậc về sức mạnh mềm của mỗi quốc gia trong phương diện giáo dục cũng như cách thức triển khai và nâng cao nguồn sức mạnh này chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi rất lớn trong thời gian tới.
(Trích đăng từ tuanvietnam)