Bài phỏng vấn Đại sứ Úc về giáo dục & du học
Muốn đến Úc du học phải chứng mình được tiềm lực tài chính
Thưa ông, chúng tôi được biết trong thời gian qua Chính phủ Australia có một số thay đổi trong chính sách nhập cư. Thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới sinh viên Việt Nam như thế nào?
(Minh họa: Đại sứ Allaster Cox)
Đại sứ Allaster Cox: Cũng có 2 thay đổi trong chính sách nhập cư tới Australia trên toàn cầu, chứ không chỉ với riêng sinh viên Việt Nam.
Thay đổi đầu tiên là chính sách chứng minh tài chính.
Phụ huynh và học sinh cần chứng minh tài chính cho sinh hoạt phí là AUD$18,000 một năm, cụ thể là chứng minh tài chính 1 năm cho mức đánh giá 2, và 2 năm cho mức đánh giá 3. Trong khi trước kia gia đình học sinh chỉ cần chứng minh AUD$12,000 một năm.
Tôi nghĩ, đây là thay đổi hợp lý vì mức chứng minh cũ đã áp dụng được 10 năm rồi. Mức chứng minh tài chính mới thực tế hơn, nó giúp du học sinh có thể an tâm sống tại các thành phố của Australia.
Thay đổi thứ 2 là việc áp dụng gói visa.
Ví dụ học sinh xin visa để đi học khóa học nghề rồi sau đó học lên Đại học.
Mức đánh giá đối với visa xin đi học 2 khóa học này khác nhau, mức đánh giá cao nhất sẽ được áp dụng.
Điều này có nghĩa là tiêu chuẩn chứng minh tài chính cao hơn, yêu cầu tiếng Anh cao hơn là điều kiện bắt buộc phải đáp ứng.
Chính sách này giúp chúng tôi đánh giá tính nghiêm túc của học sinh khi xin visa đi học, đảm bảo rằng học sinh tới Australia sẽ tham dự khóa học như họ dự định, chứ không phải học nghề xong rồi muốn nhập cư mà không học tiếp khóa học Đại học như đã đăng ký khi xin visa.
Theo ông sự thay đổi chính sách nhập cư như trên có ảnh hưởng gì đến du học sinh Việt Nam tới Úc?
Đại sứ Allaster Cox: Chính sách này được áp dụng không phải vì học sinh Việt Nam có vấn đề gì về tính nghiêm túc khi xin đi học, hoặc có chủ ý nhập cư.
Việt Nam đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, với nhiều cơ hội cho giới trẻ. Nhưng khi áp dụng chính sách, chúng tôi không muốn phân biệt một quốc gia nào mà áp dụng toàn cầu.
Điều này cũng giúp chúng tôi kiểm soát tốc độ phát triển của ngành giáo dục, ngành đóng góp vào ngân sách Australia từ hoạt động nước ngoài đứng thư 3.
Chúng tôi không muốn ngành này phát triển quá nhanh.
Chúng tôi muốn phát triển bền vững. Khi số lượng du học sinh tăng quá nhanh, nhiều trường tư thục được mở, và sẽ khó thực hiện kiểm định chất lượng, điều mà chúng tôi luôn cố gắng làm cho tốt. Đây là chính sách phát triển bền vững ngành giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục.
(Hình minh họa: Ông Đại sứ Allaster Cox trong 1 chương trinh Hành động vì Anh toàn Giao thông tại Việt Nam)
Đào tạo nghề có một số thay đổi trong chính sách hỗ trợ
Được biết là trước kia Úc có tài trợ một số chương trình học bổng nghề cho du học sinh Việt Nam. Vậy hoạt động của các chương trình này hiện nay ra sao? Có sự thay đổi nào trong chính sách đối với du học sinh Việt Nam sang học nghề không?
Đại sứ Allaster Cox: Quả đúng là trước đây, thông qua cơ quan hỗ trợ phát triển Australia (AusAid), chính phủ Australia đã trao nhiều học bổng nghề cho công dân Việt Nam để sang Australia học tập. Tôi cũng mới có cuộc gặp gỡ với một trong số những bạn Việt Nam đã đi chương trình học bổng học nghề của Australia tại Tây Nguyên.
Nhưng bây giờ, chúng tôi cũng thay đổi chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của mình. Chúng tôi khuyến khích các trường nghề của Australia sang Việt Nam để thành lập các chương trình hợp tác đào tạo nghề.
Ví dụ như trường dạy nghề của bang Nam Australia có chương trình hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo cung cấp chứng chỉ nghề công nghệ thông tin, kỹ thuật. Trường đào tạo nghề Box Hill ở bang Victoria cũng có chương trình đào tạo với trung tâm đào tạo của KOTO cấp chứng chỉ ngành du lịch, khách sạn. Các chương trình nghề của Australia cũng có tại trường Raffle, trường nghề ở Vũng Tàu.
Hợp tác đào tạo nghề trong các khóa học tại Việt Nam có hiệu quả hơn khi các chương trình đào tạo được thực hiện bằng Tiếng Việt, sử dụng giáo trình của Australia, áp dụng một số kỹ năng trong đào tạo nghề của Australia phù hợp với điều kiện Việt Nam, có tính thực tiễn cao để áp dụng trong môi trường hoạt động nghề của Việt Nam.
Chính phủ Australia cũng làm việc tích cực với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB và XH thúc đẩy các dự án hợp tác đào tạo nghề, phân tích dữ liệu, tìm hiểu nhu cầu nghề trong thị trường lao động Việt Nam, xem xét các ngành, kỹ năng nghề bị thiếu hụt, và từ đó xây dựng chương trình đào tạo nghề cho phù hợp. Chúng tôi thực sự mong muốn hợp tác sâu hơn với Việt Nam để thúc đẩy các chương trình hợp tác đào tạo nghề, giúp chính phủ Việt Nam cải thiện chất lượng đào tạo nghề.
Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ có đoàn chuyên gia từ Australia sang để làm việc sâu về vấn đề này.
Chúng tôi mong muốn rằng trong tương lai, phụ huynh học sinh sẽ không còn ý niệm rằng học nghề thì không ổn cho tương lai con em họ, hay chứng chỉ nghề không thể uy tín được như tấm bằng đại học.
Chúng tôi muốn những khóa học nghề thực sự có tính áp dụng cao vào thực tiễn. Việt Nam thực sự đang cần những kỹ thuật viên có tay nghề cao trong rất nhiều lĩnh vực như luyện kim, công nghệ thông tin …
Nếu có vướng mắc về chương trình liên kết đào tạo của Úc tại VIệt Nam, hãy viết thư cho chúng tôi
Hiện nay xu hướng đào tạo liên kết với Australia khá phát triển. Nhưng chúng tôi hay nhận được nhiều phản ánh rằng đối tác Việt Nam cung cấp các chương trình đào tạo không như cam kết ban đầu với học sinh về khóa học. Vậy phía sứ quán có giải pháp gì?
Đại sứ Allaster Cox: Tôi cho rằng, đây là vấn đề thực sự quan trọng.
Trước hết, các khóa học liên kết thực sự đã tạo cơ hội cho các học sinh Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến mà không cần phải sang nước ngoài học, điều này tiết kiệm được chi phí đáng kể.
Nhìn chung, định hướng cho các khóa học là tốt, nhưng có thể có một số quan ngại về điều kiện học tập, số lượng giáo viên trên đầu học sinh…
Khi gặp những vấn đề đó, tôi nghĩ học sinh hoặc phụ huynh nên viết thư phản ánh vấn đề trên với trường tại Việt Nam, hay với trường liên kết phía Australia. Vì họ đã trả phí cho một dịch vụ đào tạo, họ cần phải nhận được dịch vụ đúng như cam kết ban đầu.
Nếu vấn đề đó vẫn không được giải quyết, các phụ huynh hoặc học sinh có thể viết cho chúng tôi, tôi hoặc tham tán giáo dục sẽ hỗ trợ để thông báo cho phía trường Australia để giải quyết vấn đề trên.
Chúng tôi thực sự mong muốn có nhiều hơn nữa các chương trình liên kết đào tạo, và các chương trình được thực hiện một cách chất lượng, và đúng như nó được áp dụng tại Australia. Các chương trình này thực sự rất quan trọng khi giúp các gia đình không có điều kiện tài chính để gửi con sang Australia học tập vẫn được học trong các chương trình chất lượng, được nhận bằng của Australia.
Chuẩn bị vào mùa tuyển sinh, nhiều phụ huynh có điều kiện ở Việt Nam đang tìm kiếm trường học quốc tế. Hiện nay, có nhiều trường phổ thông ở có liên kết với Úc để mở trường. Ông có thể giúp các phụ huynh phân biệt và lựa chọn các loại hình trường này không?
Đại sứ Úc Allaster Cox: Có nhiều loại hình trường ở Việt Nam. Có trường quốc tế UNIS, nơi các học sinh quốc tế học. Hay có trường công và trường dân lập. Hay có trường liên kết ví dụ như trường quốc tế Viêt – Uc, thực chất đây là trường dân lập của Việt Nam, học sinh học và thi theo chương trình của Bộ GD-ĐTViệt Nam, nhưng các em được học thêm một số môn học tăng cường theo chương trình của PLC tại Sydney, để các em cũng có thể sang Australia hoàn thành chương trình phổ thông tại Australia, hoặc nếu không các em cũng có thể thi IELTS, và có lợi thế để đi du học. Mô hình này thực sự rất hiệu quả, khi điều kiện học tập và cơ sở đào tạo tiên tiến được áp dụng.
Xin cảm ơn ông!
Theo vietnamnet.