Du học thời khủng hoảng: Bỗng dưng… thiếu tiền

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 26/05/2009. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 6508

Tư vấn du học Singapore giảm hẳn

 

Xác định cho con đi du học từ đầu cấp III, những năm trước, phụ huynh của Minh Hiền (HS lớp 12 Trường THPT Hà Nội – Amsterdam) không phải suy nghĩ nhiều về chi phí. Nhưng tới năm nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế mà gia đình không thể chu cấp hoàn toàn cho con như kế hoạch được.

 

Vì thế, Hiền phải cố gắng xin học bổng 100% của 1 trường bên Mỹ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.

 

HS tới tìm hiểu thông tin tại một hội thảo du học.

Nhưng Hiền không phải là trường hợp cá biệt.

 

Bạn học của Hiền là Huyền Trang cũng đành gác lại dự định du học. Thay vào đó, Trang sẽ theo chương trình du học tại chỗ của ĐH RMIT rồi chờ 2 năm cuối chuyển tiếp sang Úc học để tiết kiệm chi phí.

 

Nguyễn Lan Anh (Nguyễn Thái Học, Hà Nội) thì được bố mẹ động viên thi ĐH xong rồi sẽ tính tiếp xem có thể cho đi du học hay không.

 

Lan Anh cho biết, những gia đình làm buôn bán hoặc bố mẹ kinh doanh như em đều bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, dẫn tới việc “bỗng dưng… thiếu tiền” cho con du học.

 

Cũng do năm vừa rồi gia đình có trục trặc về kinh tế nên Nguyễn Thanh Thuý (HS lớp 12 Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) đành ở nhà 1 năm để chuẩn bị về mặt tài chính.

 

Trong lúc này, Thuý vẫn đang miệt mài tìm kiếm và gửi hồ sơ tới những trường có hỗ trợ tài chính lớn mong tìm kiếm học bổng.

 

“Một số bạn bè của em đã học phổ thông ở Mỹ nhưng năm nay phải về Việt Nam học tiếp ĐH quốc tế trong nước hoặc về tạm một năm kiếm việc làm, sau đó quay lại Mỹ tiếp tục học. Mỗi người có một lý do khác nhau, nhưng hầu hết đều là những vấn đề liên quan tới tài chính. Có gia đình cho con đi học nhờ tiền chơi chứng khoán, nay thua lỗ nên phải cắt viện trợ”– Thuý chia sẻ.

 

Bà Hà Việt Hằng, Trưởng phòng Tư vấn Du học, Trung tâm ISC cho biết: “Một số gia đình đầu tư chứng khoán, bất động sản bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng kinh tế nên có thể ảnh hưởng tới việc gửi con đi du học. Đặc biệt, HS đến xin tư vấn về Singapore giảm hẳn do những gia đình cho con đi học ở những thị trường có chi phí thấp hơn thường có ngân sách không ổn định, dễ bị tác động bởi khủng hoảng.”

 

“Bầu sữa” tài chính bị cắt giảm

 

Hàng loạt trường ĐH cắt giảm hỗ trợ tài chính, số lượng du HS theo dạng học bổng chắc chắn sẽ giảm mạnh. Ảnh du HS Việt Nam tại Nhật Bản: Ngọc Dũng

Không chỉ du HS tự túc mà đối tượng HS muốn xin học bổng hiện cũng rất khó khăn.

 

Vốn được coi là thị trường hấp dẫn nhờ nguồn học bổng dồi dào với những điều kiện ít khắt khe hơn so với Mỹ và châu Âu, những năm qua, Hàn Quốc là cánh cửa rộng cho nhiều du HS Việt Nam.

 

Từ học kỳ mùa xuân 2009 về trước, một số ĐH lớn của Hàn Quốc như: Changwon, Chosun, Inha, Dongeui, ĐH Ngoại ngữ Pusan… thường hỗ trợ 100% học phí cho SV nước ngoài học sau ĐH và 30-50% cho SV ĐH. Nhưng từ học kỳ mùa thu 2009 thì trường chỉ miễn toàn bộ học phí cho khoảng 20-30% lượng hồ sơ đã được chấp nhận, còn lại sẽ chỉ hỗ trợ 50% học phí hoặc phải tự túc kinh phí.

 

Trần Hải Linh, Hội trưởng Hội SV Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: “Tình hình này sẽ ảnh hưởng lớn tới số lượng SV Việt Nam muốn du học tại Hàn.”

 

Còn ở châu Âu, thông thường khi có dự án thì các giáo sư sẽ thông báo tìm nghiên cứu sinh và nếu nhận vào thì đảm bảo tài chính cho nghiên cứu và sinh hoạt. Nhưng năm nay, số dự án ít hơn nên tuyển dụng cũng giảm hẳn, đặc biệt trong những ngành thiên về lý thuyết.

 

Nguyễn Tuấn Thiện, du HS ngành Toán tại Áo cho biết, riêng ngành Toán ở nước này, lượng ngân sách cấp cho các dự án bị cắt tới 90%.

 

Ở Mỹ, tâm bão của khủng hoảng tài chính, các trường ĐH hiện đang phải cắt giảm ngân sách mạnh mẽ, thậm chí có trường phải đóng cửa hơn 20 chương trình không có khả năng thu hồi ngân sách.

 

Bên cạnh đó, các trường “đua nhau” cắt giảm học bổng trợ lý (teaching assistantship hoặc research assistantship).

 

Theo anh Đinh Công Bằng (Florida, Mỹ), tiền cấp cho SV quốc tế theo học bổng này chủ yếu đến từ 2 nguồn chính là các công ty và ngân sách tiểu bang.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều đang trong tình trạng khó khăn nên cắt giảm đóng góp cho các trường ĐH rất nhiều. Các dự án nghiên cứu của các công ty đặt hàng các trường cũng giảm sút. Chính phủ nhiều tiểu bang như California, New York… đang trong tình trạng “vỡ nợ” nên phải cắt giảm phần lớn tiền rót cho các trường.

 

“Ông lớn” Harvard đang chuẩn bị tinh thần chứng kiến sự sụt giảm tới 30% trong tổng số gần 40 tỉ USD quỹ của trường. Còn ĐH Princeton cũng dự kiến sẽ bị cắt giảm tới 5 tỉ USD/năm.

 

Vì vậy, nhiều SV Việt Nam “rải thảm” hồ sơ hơn chục trường ở Mỹ nhưng chỉ được nhận vào học (admission) mà không được học bổng (fund) từ bất kỳ trường nào. Một số trường cũng email nói rõ về tình trạng eo hẹp năm nay và cho biết đây không phải một năm bình thường (normal year) để SV biết tình hình.

 

Đặng Đức Việt (ĐH Clemson, Mỹ) cho biết, năm nay trường Việt đã cắt rất nhiều dự án và không cấp học bổng cho SV. Bản thân Việt cũng bị cắt tới 7% học bổng toàn phần đang được nhận.

 

Anh Đinh Công Bằng khẳng định: “Đối với các bạn “săn” học bổng trợ lý thì cơ hội hẹp lại rất nhiều. Điều này đòi hỏi SV năm nay và các năm sau phải chuẩn bị tốt hơn để có thể cạnh tranh với nhau, và quan trọng hơn là cạnh tranh với SV đến từ mọi nước trên thế giới vào Mỹ.”

Theo VietnamNet

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115